BÁT NHÃ QUÁN CHIẾU
Nói đến Bát-nhã (Trí huệ), các luận thường phân làm ba: Bát-nhã văn tự, Bát-nhã quán chiếu, và Bát-nhã thật tướng. Bát-nhã văn tự là sự nghiên cứu ở cấp độ ý thức những bản văn của hệ thống Kinh Bát-nhã. Sự nghiên cứu này chưa đủ để đi vào Bát-nhã, phải thực hành Bát-nhã. Bát-nhã quán chiếu là sự thực hành Bát-nhã để đạt đến thật tướng của Bát-nhã, tức là tánh Không.
Chân lý, hay thực tại, đối với người Hy Lạp cổ là aletheia, lột bỏ sự che đậy, vén màn. Nhưng chân lý hay thực tại thì không tự che đậy, không phủ màn. Sơ tổ Vô Ngôn Thông đã nói về chân lý hay thực tại: “Không từng che dấu”, và “Khắp tất cả chỗ”. Thế thì sự che đậy, phủ màn này là do chúng ta. Chính chúng ta tự bịt mắt mình bằng những lớp màn chấp ngã chấp pháp để cái thấy về thực tại bị khúc xạ, méo mó, phân mảnh.
Sự quán chiếu của Bát-nhã là để lột bỏ những tấm màn ấy, đang ngăn che chúng ta với thực tại của mọi sự vật là tánh Không, bởi vì sự vật thì từ vô thủy đến vô chung vẫn chính là tánh Không: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc”. Sự vật vẫn bình thường là tánh Không như vậy. Nhưng chính sự bất bình thường của tâm, chính những bệnh tật trong tâm của chúng ta khiến cho chúng ta thấy sắc chẳng phải là Không, Không chẳng phải là sắc. Vậy thì Bát-nhã quán chiếu là chỉnh sửa lại cái thấy cho đúng, thấy không điên đảo méo mó. Cái thấy đúng (chánh kiến) này giải thoát chúng ta khỏi những bất bình thường, những bệnh tật thấy biết sai lầm của chúng ta, cũng những thứ này nuôi dưỡng cho thế giới khổ đau sanh tử của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét